NGŨ TỰ QUYẾT - LÝ DIỆC XA
Tâm tĩnh: Tâm không tĩnh thì không chuyên tâm, tập trung ý chí, tư tưởng vào động tác. Mỗi một cử động, trước sau phải trái, sẽ không có sự định hướng rõ rệt. Tùy theo đối thủ mà ta động, co duỗi nhịp nhàng, không rời không chống, chớ tự co duỗi. Đối phương có lực, ta cũng có lực, mà lực ta đến trước; đối phương vô lực, ta cũng vô lực, mà ý ta vẫn trước. Cần luôn luôn lưu tâm. Lần lượt chỗ nào, tâm cần dùng ở đâu, cần theo hướng không chống không rời mà nắm bắt kình lộ đối phương. Đó toàn là dụng ý, không phải dụng kình. Dần dần đối phương sẽ bị ta chế mà ta không bị chế lại vậy.
Thân linh: Thân trệ thì tiến thoái không linh hoạt, do đó thân cần mềm mại và uyển chuyển.Động tác tuyệt đối không được cứng nhắc, lực của đối phương chặn ở da lông ta, thì ý của ta nhập vào tận xương cốt đối phương. Hai tay chống đỡ cần nhất khí quán xuyến. Tả trọng thì tả hư, mà hữu tự chuyển; Hữu trọng thì hữ hư mà tả chuyển. Khí như bánh xe, toàn thân cần tương tùy. Nếu có chỗ không tương tùy thì sẽ làm cho thân bị tán loạn, không được lực, bệnh này sửa ở eo đùi. Trước tiên lấy tâm điều khiển thân, theo đối phương chứ không theo mình, sau thân có thể tùy tâm, do mình cũng là do đối phương mà thôi. Do mình thì trệ, theo đối phương thì hoạt. Có thể tùy đối phương, tay càng có phân tấc. Đo mức độ kình của đối phương là lớn hay nhỏ, không sai một phân; lường người lại trường đoản, không sai một li. Tiến lên trước, lùi ra sau, đâu cũng linh hoạt. Luyện càng lâu thì kỹ thuật càng tinh.
Khí liễm: Khí thế tản mạn, làm cho không hàm súc, thân dễ tán loạn. Cần làm khí liễm nhập cốt, hô hấp thông linh, châu thân không gián đoạn. Hấp thì súc, hô thì phát. Hấp thì tự nhiên nâng được lên, tức nắm được ngườI lên, hô thì tự nhiên trầm được xuống, tức ném được đối phương đi. Đó là lấy ý vận khí, không phải lấy lực vận khí.
Kình chỉnh: Kình của toàn thân, luyện thành một thể. Phân rõ hư thực, phát kình cần có gốc. Kình khởi ở gót chân, chi phối ở eo, hình tại ngón tay, phát ở cột sống. Càng cần nâng cao tinh thần, kình của người đang phát, thì kình của ta tiếp kình của người, không trước không sau. Như da chạm lửa, như suối tuôn trào, tiến trước lùi sau, không chút tán loạn. Trong cái cong, tìm cái thẳng, súc mà hậu phát… đó là mượn lực đánh người, tứ lượng bạt ngàn cân vậy.
Thần tụ: Bốn điều trên đầy đủ, chung qui thần tụ. Thần tụ thì khí cô đúc, luyện khí qui thần, khí thế đằng nhiên, tinh thần quán trú, khai hợp có số, hư thực rõ ràng, tả hư thì hữu thực, hữu hư thì tả thực. Hư phi toàn nhiên vô lực. Khí thế cần linh động, thực phi toàn nhiên chiếm sát, tinh thần cần quán chú. Lực mượn của người, khí phát ra từ cột sống. Khí có thể do cột sống phát? Khí trầm xuống dưới, do hai vai thu nhập vào cột sống, nhập xuống eo, khí này từ trên xuống, gọi là hợp. Do hình của eo với tích cốt, phân bố ở hai cánh tay, xuất hiện ở ngón tay, khí này từ dưới đi lên, gọi là khai. Hợp là thu, khai là phóng. Hiểu được khai hợp thì sẽ hiểu được âm dương. Đến trình độ này,luyện công một ngày, kỹ thuật tăng thêm một ngày, dần dần sẽ đạt đến mức tùy tâm sở dục(muốn sao được vậy).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét