Năm 1989, báo giới dã đồng loạt đưa tin với một cái tít giật mình : ‘‘Hiện tượng võ thuật mới’’ hay ‘‘Bất ngờ xuất hiện’’ …Nhân vật của các bài báo chứa đựng sự kinh ngạc ấy là võ sư Nguyễn Văn Thắng, hiện đang là chưởng môn của môn phái lừng danh : Thăng Long võ đạo. Được thừa hưởng một gia tài võ học khổng lồ từ người ông và cha mình, vị võ sư này đã bổ sung cho nghệ thuật võ học nhiều giai thoại.

CÔNG PHU ĐẶC DỊ VÀ CHUYỆN VỀ “SƯ PHỤ CỦA VÕ TÒNG”
Ngày ấy, tại Đại hội võ thuật toàn quốc, với tiết mục Khẩu lợi công, Nguyễn Văn Thắng đã làm cho cả giới võ lâm phải ngả mũ kính phục. Vóc dáng thư sinh, gày còm (nặng 52 kg) nhưng qua khổ luyện, với hàm răng nhơ thép của mình, ông đã nâng bổng chiếc bàn bao gồm đỉnh đồng, nến, hạc, khung ảnh Đạt Ma sư tổ… nặng tới gần 80kg. Hơn 20 năm đã trôi qua, vị võ sư gây chấn động với công phu đặc dị năm xưa vẫn thế, vẫn vóc dáng thư sinh, vẫn kiểu đi lại, nói năng hoạt bát và vẫn phương châm sống : ‘‘Thần vượng không ham ngủ, khí vượng không ham ăn, tinh vượng không ham sắc’’… Đặc biệt hơn, ông vẫn gây bất ngờ bởi những công phu siêu đẳng của mình.

Lời giới thiệu của một đại cao thủ 

Nội công thâm hậu của võ sư Nguyễn Ngọc Nội (môn phái Vịnh Xuân) đã nức tiếng trong làng võ bấy lâu nay. Ông đã từng đăng đài, để mọi người thẳng tay đấm vào bụng mấy ngàn quả mà mặt chẳng hề biến sắc. Vậy nhưng, khi hỏi ông về những cao thủ trong làng võ, đặc biệt về nội công, ông đã không ngần ngại giới thiệu cái tên Nguyễn Văn Thắng, chưởng môn phái Thăng Long võ đạo. Theo võ sư Nguyễn Ngọc Nội thì sự nghiệp võ công của người đồng đạo Nguyễn Văn Thắng đang có những bước tiến bất ngờ. Dù được sự chỉ dẫn tận tình của võ sư Nội, nhưng vất vả lắm tôi mới gặp được vị võ sư từng gây kinh ngạc trong giới võ lâm năm xưa bởi ông bận túi bụi tối ngày. Thời gian biểu cho một ngày làm việc của ông, ai thấy đều phát hoảng : Một ngày của ông bắt đầu từ 3 giờ sáng. Khi ấy, tiết trời thanh mát, khí huyết lưu thông, ông lên sân thượng luyện khí công. Luyện khí công đến 5 giờ, ông ra công viên Thống Nhất dạy khí công cho môn sinh cao tuổi. Bởi đang làm chủ nhiệm khoa Giải phẫu bệnh lý (Bệnh viện Thanh Nhàn) nên 7 giờ, ông vội vã đến cơ quan. Làm việc đến 4 giờ chiều, ông về dạy thêm một lớp khí công ngay tại sân thượng nhà mình. Đến 7 giờ tối, lại tiếp tục dạy một lớp võ thuật cũng ngay tại sân thượng ấy.

Dòng dõi oai hùng
Võ sư Nguyễn Văn Thắng là chưởng môn đời thứ hai của Thăng Long võ đạo. Chưởng môn đời trước, cũng là sáng tổ cua môn phái chính là cha đẻ của ông, võ sư nổi tiếng Nguyễn Văn Nhân. Nếu ai đã tận thấy những thế võ cận chiến tuyệt kỹ mà đặc công Việt Nam vẫn sử dụng để hạ gục đối phương trong chớp mắt thì có thể hình dung ra phần nào quyền cước siêu phàm của Thăng Long võ đạo, bởi trước đây, lão võ sư Nguyến Văn Nhân là thầy dạy của rất nhiều đơn vị đặc công. Cho đến tận bây giờ, làng võ vẫn bảo, cố võ sư Nguyễn Văn Nhân là người may mắn, bởi ông được thừa hưởng một ‘‘gia sản võ học’’ khổng lồ mà ông nội, ông ngoại của mình truyền lại. Ông nội cố võ sư là một võ tướng của triều đình nhà Nguyễn, tên là Thống Luận.

Cụ Thống Luận theo học Thiếu lâm nội gia, là bạn vong niên với cụ Đề Thám nên võ học cũng hết sức uyên thâm. Ông ngoại cố võ sư Nhân là cụ Cử Tốn, người chỉ nhắc tới tên, cao thủ khắp nơi đều phải chắp tay bái phục. Cụ Cử Tốn là cử nhân võ thuật cuối cùng của triều Nguyễn. Khi giặc Pháp tấn công Hà Nội, cụ đã cùng Tổng đốc Hoàng Diệu chiến đấu trong thành. Về sau, khi Hà thành thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, cụ Cử Tốn lui về ở ẩn tại khu làng ngay bên ngoài thành Hà Nội (phố Trần Quý Cáp bây giờ).
Đau đáu nỗi nhục mất nước, cụ bí mật mở lò dạy võ, những mong, khi cơ hội đến lại cùng các môn sinh yêu nước của mình vùng lên chống giặc. Lò võ ấy một thời đã thu hút được rất nhiều những môn sinh ưu tú như Mùi Đen, Sáu Tộ (Sáng tổ môn phái Nam Hồng Sơn), Lý Đen, đặc biệt về sau này, người cháu ngoại của cụ, võ sư Nguyễn Văn Nhân, với những tinh hoa võ thuật học được từ cụ đã làm rạng danh tiên tổ.

Hoàng Phi Hồng của Việt Nam
Cụ Cử Tốn nhiều giai thoại, hệt như Hoàng Phi Hồng bên Trung Quốc, tinh thần thượng võ luôn song hành với tinh thần ái quốc, thương dân. Bởi là nơi hội tụ những nhân vật kỳ tài, quân Pháp coi lò võ của cụ chẳng khác nào cái gai trong mắt. Chúng tìm cách triệt hạ để Hà Nội không còn ‘‘vườn ươm mầm hoạ’’. Có lần, chúng bày gian kế hãm hại cụ đến mù hai mắt. Thế nhưng, trước âm mưu hèn hạ của kẻ thù, cụ vẫn không hề khuất phục. Lò võ của cụ vẫn bí mật chiêu sinh, cụ thì vẫn bí mật truyền dạy võ công cho những đệ tử yêu nước của mình. Bất lực, giặc Pháp viện đến một âm mưu quỷ quyệt, ấy là dùng giới võ lâm để triệt hạ lão võ sư ‘cứng đầu’ ấy. Chúng dựng võ đài, loan báo khắp Đông Dương rằng, võ sư nào đánh hạ được thày trò Cử Tốn thì sẽ được trọng thưởng Bắc Đẩu bội tinh và được trọng đãi hậu hĩnh sau này. Âm mưu ấy là vô cùng thâm hiểm, bởi sẽ gây cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Nham hiểm hơn, chúng nghĩ, ham mê danh lợi, nhiều người đã ‘‘bỏ quên’’ tinh thần yêu nước, xoay mũi giáo vào chính … người nhà, quyết chí ăn thua.


Trưởng môn phái Nguyễn Văn Nhân (bên phải)

‘‘Sư phụ của Võ Tòng’’ ở … Việt Nam
Hiểu rõ âm mưu ấy, cụ Cử Tốn rất đỗi phân vân. Thượng đài thì khác nào mắc mưu quân cướp nước, không thượng đài thì môn phái ô danh, quần hùng khinh rẻ. Sau cùng, cụ đã nghĩ ra được một kế sách vẹn toàn. Ngày ấy, ở sở thú Hà Nội có con hổ cụt đuôi vô cùng hung dữ. Con hổ to lớn, hễ thấy người là lồng lên, bổ nhào lên chuồng thép như muốn ăn sống nuốt tươi. Cụ Cử Tốn muốn môn sinh của mình diễn lại tích ‘‘Võ Tòng đả hổ’’ ngay trước mắt quần hùng để tạo thanh thế. Người được cụ chọn sắm vai Võ Tòng là võ sư Mùi Đen, một đệ tử có thân hình vạm vỡ. Đúng hôm đăng đài, quần hùng tụ tập mấy vòng xung quanh cùng đám sĩ quan Pháp và bè lũ sai nha, cụ Cử mới nói rõ lý do tại sao lại thay màn tỉ thí võ công bằng màn đả hổ. Nghe cụ nói, tất thảy đều cúi đầu im lặng, và nín thở chờ xem màn quần thảo mà mới đầu ai cũng cho là chơi dại ấy. Sau một hồi trống rộn rã, hai chuồng cọp đã được mấy chục người khiêng ra, đặt ở hai đầu võ đài. Phía bên trái là chuồng con cọp đực cụt đuôi đang gầm lên những tiếng kinh hồn, bên phải là con cọp cái cũng đang nhe nanh, giương vuốt gầm gừ trông vô cùng dữ tợn. Mùi Đen thượng đài, trông vô cùng hùng dũng. Cứ thế, trước sự kinh hãi của mọi người, ông thủng thẳng vào mở cửa chuồng con cọp đực. Hai bên quần thảo vô cùng ác liệt, sau một giờ, bằng một đòn chí mạng, ông đã bẻ gãy cổ con mãnh thú khát mồi ấy. Chẳng cần nghỉ ngơi lấy lại sức, túm gáy ‘‘kẻ thua cuộc’’, ông vác sang chuồng con cọp cái. Lại một màn kịch chiến kinh hoàng diễn ra. Và, cũng chừng ấy thời gian, con cọp cái đã bị ông bẻ gãy bốn chân, nằm phủ phục, rên những tiếng thảm thiết. Phía dưới, quần hùng không ngớt vỗ tay tán thưởng và nể cái trí, cái dũng của thầy trò cụ Cử, chẳng ai còn dám thượng đài nữa. Có người còn gọi võ sư Mùi Đen là ‘‘sư phụ của Võ Tòng’’ vì một lúc đánh chết những hai con hổ. Còn đám thực dân Pháp thì được một phen muối mặt, rẽ đám đông đang hân hoan với những lời tán dương không ngớt, chuồn thẳng.

Sáng lập Thăng Long Võ đạo 

Thụ giáo tinh hoa võ công từ hai bên nội, ngoại, cố võ sư Nguyễn Văn Nhân đã nhanh chóng bộc lộ và phát huy năng khiếu võ học thiên bẩm của mình. Võ sư Nguyễn Văn Thắng kể, ngay trước Cách mạng tháng Tám, tuổi mới đôi mươi, cha ông đã là một thầy võ nổi tiếng ở Hà Nội. Thanh niên, bởi còn sốc nổi, cha ông cũng hay đi đả lôi đài.

Thời ấy, đa phần các võ sĩ thượng đài ra lời thách đấu đều do giặc Pháp giật dây, vậy nên các trận đấu đều vô cùng kinh hãi. Kẻ thua trận nhẹ thì tàn phế, nặng thì bỏ mạng ngay tại võ đài mà giặc Pháp dựng lên thời kỳ ấy, bên cạnh người võ sĩ thách đấu là chiếc quan tài được làm từ mây trông rất đẹp. Ai thua, tử trận thì nằm luôn vào chiếc quan tài ấy. Một lần thượng đài, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Nhân đã vô tình quá tay, đánh trọng thương một võ sĩ đã đăng đài cả tháng mà chưa ai đánh hạ. Theo lời võ sư Thắng thì ngày ấy, sau cú ra tay hơi mạnh đó, cha ông bị chính quyền thực dân truy nã. Sợ hãi, ông đã bỏ trốn biệt tích. Sau ba tháng, nhớ nhà, ông về,nhưng chẳng dám vào nhà. Ông trèo lên cây bàng cổ thụ ngay gần nhà mà nhìn vào trong, nhìn ngó mọi người. Năm 1944, ông theo cách mạng. Tuần lễ vàng do Cụ Hồ phát động, ông đã đem tài nghệ của mình ra để biểu diễn quyên tiền lấy tiền vàng ủng hộ. Đất nước thống nhất, với những tinh tuý võ công mà mình đã được học, tinh luyện những phương pháp luyện tập võ thuật phù hợp với thể trạng người Việt, ông đã sáng lập ra môn phái Thăng Long võ đạo.


Võ sinh Thăng Long Võ Đạo luyện tập 

Những bài tập công phu ghê gớm
Võ sư Văn Thắng kể, ông được cha mình truyền thụ võ công từ năm 12 tuổi. Bởi là sĩ quan quân đội nên cha ông dạy võ cho ông theo kiểu.. . kỷ luật thép. Bây giờ, ông vẫn nhớ như in cái buổi đầu học võ… khổ sai ấy. Trong gian nhà bếp chật hẹp, năm đầu, cha ông chỉ dạy ông duy nhất một môn … đứng tấn. Tháng đầu tiên, cha ông bắt ông mỗi buổi phải đứng tấn khi que hương cháy hết 1/3 mới thôi. Tháng thứ hai, tăng lên là 1 nửa, tháng thứ 3 là cả que nhang. Đứng im, không nhúc nhích. Hễ động đậy là ngay lập tức chiếc roi trong tay cha vút lên, đau điếng. Hết đứng tấn dưới đất lại đứng trên cọc nhọn, sau một năm thì chuyển sang Ngoại ngạnh công. Cha ông bắt ông treo ngược chân lên xà, rồi cứ thế, ngửa cổ xuống dưới nhấc những xô đá đổ lên xô to phía trên. Xô đá mỗi lúc một đầy, một nặng thêm theo thời gian mà cha ông đã định sẵn. Hai năm, khi thân hình đã dẻo dai, cứng cáp, ông mới được cha mình truyền thụ quyền cước…

Còn nữa

(Sưu tầm)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

.

 
Top