Khi thực hiện kế hoạch mưu sát vua Tần, Thái tử Đan đã mở cuộc trưng thu rộng rãi nhiều loại “trủy thủ” sắc bén trong thiên hạ, nhờ thế mới được ngọn dao găm của Từ phu nhân - người nước Triệu. Sau khi nhận được vũ khí lợi hại này, Kinh Kha dấu nó trong bản đồ nước Yên sẽ dâng lên Tần vương. Vì dao lóe sáng nên Tần vương phát hiện được. Kinh Kha ra tay, Tần Thủy Hoàng tránh được. Do đeo kiếm quá dài, Tần Thủ Hoàng không thể rút kiếm kịp thời, hai người quần thảo quanh trụ cung điện. Đến khi rút được vũ khí, Tần Thủy Hoàng với một đường kiếm đã chặt đứt chân trái của Kinh Kha.
1)Kiếm nghĩa:Trong “Thích khách liệt truyện” thuộc “Sử ký “ của Tư Mã Thiên gọi vũ khí của Kinh Kha là “Tụ lý kiếm” (Kiếm trong tay áo) vì nó rất ngắn và tiện cất giấu khi thích khách. Trong vũ khí cổ đại của Trung Quốc, kiếm được mệnh danh là “Bách binh chi quân” (Vua của các loại binh khí). Kiếm được xuất hiện từ trước thời Ân (Chu), Thương. Vào thời Xuân Thu chiến quốc, phong tục đeo kiếm và đấu kiếm đã trở nên phổ biến và thịnh hành, qua đó lý luận về kiếm thuật cũng bắt đầu được hình hành, bởi vậy mà vào đời Hán có nhiều người nổi tiếng về kiếm thuật là vậy. Đời Tùy, Đường hình thức kiếm vô cùng phong phú, thiết kế tinh xảo, tạo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sau vì thế được mệnh danh là “Tỵ kiếm” (Thủy tổ loài kiếm).
Ngoài chức năng là binh khí dùng để chế ngự kẻ thù, là khí giới để rèn luyện võ nghệ, kiếm còn được người xưa sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Một là tượng trưng cho quyền lực và địa vị. Chằng hạn như hoàng đế trao “Thượng phương bảo kiếm” cho vị đại thần thân tín với quyền “tiền trảm hậu tấu”. Hai là biểu tượng cho pháp lực do các nhà sư, đạo sĩ thực hiện, kiếm có thể ẩn thân, hàng yêu, sát quỷ, có khả năng lấy thủ cấp từ ngoài ngàn dặm. Ba là tiêu chí rõ ràng nhất về đẳng cấp trong hình thức lễ nghi. Thư tịch cổ ghi chép rất cụ thể về chế độ đeo kiếm: tuổi tác, địa vị khác nhau sẽ đeo kiếm khác nhau. Bốn là đeo kiếm như một cách thức trang sức trang nhã. Vì thế các văn nhân, học sĩ thời cổ đại thường đeo kiếm để thể hiện sự nho nhã, tính cách nhã nhặn, ví như nhà thơ Lý Bạch đời Đường vậy.
Về mặt kiếm phái, kiếm thuật có thể phân loại thành : Thái Cực Kiếm, Bát Quái Kiếm, Thái Ất Kiếm, Võ Đang Kiếm, Côn Luân Kiếm, Nga Mi Kiếm, Côn Ngô Kiếm, Tam Hợp Kiếm, Thất Tinh Kiếm, Càn Khôn Kiếm, Tam Thập Kiếm, Bát Tiên Kiếm, Đạt Ma Kiếm, Thông Bối Kiếm, Thuần Dương Kiếm, Kim Cương Kiếm, Thanh Long Kiếm, Thanh Bình Kiếm, Thanh Hồng Kiếm, Phi Hồng Kiếm, Long Hình Kiếm, Bàn Long Kiếm, Long Phụng Kiếm, Xạ Nhạn Kiếm…
2) Kiếm phổ:
Sau đây chúng ta sẽ nhận diện một số cổ kiếm nổi tiếng trong giới võ thuật:
a) Tử vi kiếm:
“Tử vi” đứng đầu trong các vì sao. Khổng Tử là người khởi xướng và định hình học thuyết Nho giáo, khiến Nho giáo trở thành truyền thống văn hóa Trung Hoa. Trên phương diện đạo đức và học thuật, Khổng Tử được coi là ngôi sao dẫn dắt sự phát triển của văn hóa Trung Quốc. Do đó khi chu du liệt quốc, bậc “chí thánh tiên sư” được mệnh danh là “tử vi kiếm”. Vì vậy Tử vi kiếm được coi là một loại kiếm của nhân văn.
b) Côn Ngô kiếm:
Đây là ngọn kiếm được xuất hiện vào thời Chu Mục Vương. Tài liệu Thập châu ký cho biết: “lưu Châu tại Tây Hải, rộng 3000 dặm, cách bờ biển phía Đông 19000 dặm. Nơi đây có ngọn núi tên là Côn Ngô, biến đá nơi đây thành thép để rèn kiếm. Kiếm chiếu sáng như thủy tinh, chặt đá chém ngọc như phạt bùn”. Trong Thập di ký, Côn Ngô kiếm được miêu tả như sau: “ Núi Côn Ngô có nhiều vàng đỏ, sắc như lửa. Khi xưa Hoàng Đế phạt Sy Vưu đã bài binh bố trận tại đây. Đào sâu 100 trượng, không thấy suối, chỉ thấy lửa chiếu hào quang như sao, trong đất có nhiều sắc đỏ tựa như son. Luyện đá thành đồng, sắc đồng xanh và bén nhọn”. Hai bộ cổ thư có nhiều chi tiết khác nhau và nhiều điều được cường điệu nhưng cùng có điểm chung là nói về Côn Ngô. Điều này chứng tỏ kiếm Côn Ngô được rèn từ vật liệu từ ngọn núi này.
c) Thái Cực Kiếm và Bát Quái Kiếm:
Hai loại kiếm này đều là chi bảo của Đạo gia. Thái Cực Kiếm được kết tinh từ ý nghĩa và hình ảnh của Tam Sơn, Ngũ Nhạc và Bát Quái, trải qua sự vận động của lưỡng nghi, tứ tượng, theo sự tiệm tiến của Dịch lý. Do đó Thái Cực Kiếm được coi là vũ khí quan trọng của Đạo gia trong việc trừ tà, hộ thân và luyện đạo.Vì thế người sáng lập ra kiếm pháp Thái Cực cũng dung nhập hình, ý của Thái Cực vào kiếm pháp tạo nên nét đặc thù cho Thái Cực Kiếm. Khác với các loại kiếm dũng mãnh khác, Thái Cực Kiếm chế ngự đối phương bằng chiêu thức lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương, lấy ít địch nhiều.
d) Kinh Hồng Kiếm:
Đây là loại kiếm xuất phát từ Thiếu Lâm Tự.Do kiếm pháp biến hóa thiên hình vạn trạng giống như hình cầu vồng nên được đặt tên là Kinh Hồng (Chứ “hồng” ở đây nghĩa là cầu vồng). Kiếm pháp có 9 dạng thức “mẫu kiếm” (kiếm mẹ).Mỗi dạng thức kiếm mẹ tương sinh một số “tử kiếm” (kiếm con). Từ đó kiếm pháp biến hóa muôn hình, muôn vẻ, tiến công thoái thủ nhanh như chớp, không có chỗ hở và không có lúc dừng. Nhất là cách thức tiếp kiếm trong thao tác cuối cùng: tay phải tung kiếm lên không, kiếm chuyển động tít mù, tay trái đón kiếm một cách điệu nghệ. Tuyệt chiêu này được gọi là “Phi long kinh hồng” để hình ảnh hóa nét uyển chuyển, biến hóa như rồng bay qua dải cầu vồng bảy sắc.
e) Bàn Long Kiếm:
Bàn Long Kiếm có hai hình thức. Một là “Ngự kiếm” dành cho bậc đế vương, vì nó có trạm khắc hình con rồng cuộn mình, thời xưa chỉ có vua mới được dùng phù hiệu này. Ngoài ra để biểu thị thánh ân, hoàng đế sẽ trao cho vị đại thần có công lớn hoặc có nhiệm vụ thay mặt vua một thanh “Thượng phương bảo kiếm” có khắc hình rồng. Hai là kiếm của văn nhân được mệnh danh là “khoái kiếm” có khắc hình rồng cuộn tròn nơi bao kiếm. Loại kiếm này lấy công làm thủ, có thể ứng phó đối phương ở mọi góc độ.
f) Tam Tài Kiếm:
Cũng được gọi là “Tam hợp kiếm” với trang trí hình đầu hổ. Thời xưa các dũng tướng đều mang loại kiếm này để biểu thị sức mạnh vô địch. Hơn nữa tam tài gồm ba yếu tố cơ bản là : thiên, địa, nhân, do đó khi ra trận các dũng tướng mang kiếm tam tài với ý nghĩa: “thế thiên hành đạo”, thuận ý trời, hợp lòng người.
g) Hàng Long Kiếm và Phục yêu Thất Tinh Kiếm:
Đây là loại kiếm có liên quan sâu xa đến Đạo giáo và Phật giáo. Có người gọi chung hai loại kiếm trên là “Thanh long-Bạch hổ kiếm”. Trên thanh Hàng long kiếm có khắc hình Nam đẩu ngũ tinh. Trên thanh Hàng yêu Thất tinh kiếm có khắc hình Bắc đẩu ngũ tinh.
h) Thuần Dương Kiếm:
Tương truyền đây là kiếm của Đạo gia Bắc phái. Lã Đồng Tân- một trong Bát tiên- tự Lã Thuận Dương yêu quý thanh kiếm này như chính bản thân mình, đi đâu cũng giữ kiếm theo mình vì vậy kiếm được đặt tên là “Thuần Dương Kiếm” là lấy từ nội hàm lưỡng nghi, tứ tượng của Dịch lý để biểu đạt chính khí hạo nhiên về câu chuyện của Lã Đồng Tân.
i) Tự Lý Kiếm:
Là một loại dao găm thời cổ, cũng được gọi là “Ngư trường kiếm” (kiếm giấu trong ruột cá).Nó có đặc điểm là hình dạng cực nhỏ, có thể giấu trong tay áo nhằm tấn công bất ngờ. Tên gọi Ngư trường kiếm bắt đầu từ câu chuyện Chuyên Chư trong Thích khách liệt truyện (Để giết được Vương Liêu, Chuyên Chư phải học làm món cá thật điệu nghệ và giấu vũ khí trong bụng cá).
3) Danh kiếm và bảo kiếm:
Danh kiếm thường là vật kỷ niệm của người đúc kiếm hoặc là người ủy thác, kế thừa. Để đặt tên cho kiếm, các nhà đúc kiếm có thể sử dụng địa danh, nhân danh hoặc đặc tính của kiếm để đặt tên.Chẳng hạn như Côn Ngô kiếm bắt nguồn từ địa danh, Thuần Dương kiếm bắt nguồn từ nhân danh, Hàng long kiếm bắt nguồn từ đặc tính…
Bảo kiếm thường gắn với anh hùng, hiệp sĩ, nghĩa sĩ. Bảo kiếm trong lịch sử cổ đại Trung Quốc còn là những thanh kiếm độc nhất vô nhị, gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, đôi khi pha màu sắc thần thoại, đó là các thanh kiếm trứ danh thiên hạ như : Long Tuyền kiếm, Can Tương mạc gia kiếm…
Rèn, đúc được một thanh bảo kiếm là cả một quá trình công phu, nhiều khi phải hy sinh cả một con người. Một trong những điều kiện cơ bản để đúc bảo kiếm là: thời tiết. Trong một năm có hai mùa thích hợp nhất cho việc đúc kiếm là mùa xuân và mùa thu, tháng 5 và tháng 7 âm lịch là rất kỵ cho việc đúc kiếm. Vì tháng 5 trời cực nóng, dễ tích tụ các loại khí độc, tháng 7 là “quỷ nguyệt”-đại diện cho tà khí- không thích hợp với bản chất chính nghĩa của kiếm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét